An táng Phan Tấn Cẩn

Đối với làng xã, quê hương bản quán, ông có công lao rất lớn trong việc chăm lo đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân. Đương thời, ông đã cho đào hệ thống kênh mương nước “dẫn thủy nhập điền”, bắt đầu từ làng Đốc Sơ kéo dài về đến vùng Hương Cần, nhằm phục vụ việc tưới tiêu cho ruộng lúa, hoa màu, tiêu úng thoát lũ trong mùa mưa bão và đảm bảo nhu cầu về nguồn nước dùng cho sinh hoạt của cư dân trong vùng. Ngoài ra, ông còn phát tâm nguyện tu sửa đình chùa, miếu mạo, hỗ trợ chăm lo cho những hoàn cảnh éo le, gia đình gặp khó khăn… Sinh thời, cụ là một người sống nguyên tắc, rất nghiêm khắc, dạy dỗ con cháu có khuôn phép, tôn ti trật tự rất rõ ràng. Với bà con lối xóm, cụ đối xử hết mực thương yêu. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, làng đã thiết trí một số ruộng đất hương hỏa để thường năm con cháu lo giỗ kỵ cho ngài. Làng, họ như thường lệ cứ hễ đến ngày húy kỵ của ngài đều sắm sửa lễ phẩm đến bái vọng ngài. Ngày nay, nhiều thế hệ ở Đốc Sơ vẫn còn truyền tụng nhiều giai thoại về cụ với tất cả sự ngưỡng vọng, lòng kính trọng về một người con ưu tú của làng.

Hiện phần mộ của cụ bị nước ngập chìm với độ sâu hơn 32cm. Nguyên phần đất này có tên là xứ Mụ Kiểm, ngày xưa là cánh đồng canh tác ruộng lúa, hoa màu của làng Đốc Sơ. Sau này cùng với quá trình mở rộng thành phố Huế, nơi đây đón nhận nhiều luồng dân cư đến định cư sinh sống. Quá trình đắp nền, nâng móng xây dựng nhà cửa của nhiều hộ dân lân cận đã vô tình biến phần đất này thành một vùng đất trũng, ngập nước.

Phần mộ của Cụ Phan Tấn Cẩn tọa lạc ở cuối Kiệt số 62, đường Nguyễn Văn Linh, phường An Hòa, Huế. Đây là khu mộ có quy mô khá hoành tráng, trên một mặt bằng diện tích khoảng chừng 150m2, mộ quay về hướng Bắc (hơi chệch về phía Đông). Diện mạo của khu lăng mộ này còn khá nguyên vẹn, dấu vết của hai lần trùng tu vào năm 1991 và năm 2002 theo chúng tôi nhận biết về cơ bản không làm biến dạng nhiều về cả quy mô, bố cục lẫn phong cách kiến trúc của lăng mộ. Trong cả hai lần trùng tu đó, con cháu trong trong họ tộc chỉ sửa sang, kiến thiết một số chi tiết nhỏ như dựng thêm tấm bia bằng chữ Quốc ngữ gắn liền với tấm bình phong hậu, xây dựng hệ thống thành bao bọc phía ngoài tránh sự xâm hại từ các tác nhân bên ngoài. Ngoài ra, phía trước mộ còn xây thêm hệ thống hành lang bảo vệ mặt tiền của ngôi mộ. Dựa vào phong cách kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật xây dựng cũng như nghệ thuật trang trí, đặc biệt kiểu hình nấm mộ hiện còn góp phần xác nhận thời điểm xây dựng. Theo thiển ý của chúng tôi, thì khu mộ này có phong cách khá đặc trưng, mà thực tế niên đại tương đối có thể xác định thì được xây dựng vào buổi đầu của thời kỳ nhà Nguyễn, tức vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX.

Qua kiểu thức phần mộ hình của lăng ngài Phan Tấn Cẩn có thể thấy được rằng mô thức kiến trúc này thể hiện tính điển hình trong phong cách xây dựng lăng mộ cuối thời chúa Nguyễn đến đầu thời các vua Nguyễn, mà trên thực tế kiểu thức này còn tồn tại khá ít trên vùng đất Thừa Thiên Huế.

Liên quan